Bà Rịa – Vũng Tàu không chỉ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nghỉ dưỡng mà còn có tiềm năng để phát triển thành một đô thị cảng lớn trong tương lai.

Năm 2018, tổng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu trực tiếp thông qua cảng Bà Rịa – Vũng Tàu đạt khoảng 69,8 triệu tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2017. Cảng Cái Mép đang được quy hoạch trở thành 1 trong 19 cảng lớn nhất thế giới và là trung tâm logistics lớn Việt Nam. Điều này là hoàn toàn khả thi khi mà tỉnh này có đầy đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển cảng biển.

Có lẽ nhận ra tiềm năng to lớn này, mới đây Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư và phát triển Việt Nam vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xin chấp thuận chủ trương cho nghiên cứu, khảo sát lập đề xuất dự án đầu tư khu đô thị sinh thái Tây Nam tại phường Long Hương và phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa. Dự án có quy mô 1.800ha, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 148.800 tỉ đồng. Nếu dự án này được triển khai sẽ tạo ra một cú hích lớn cho thị trường bất động sản Bà Rịa – Vũng Tàu trong tương lai.

Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đang có những bước chuyển mình ngoạn mục. Hàng chục dự án lớn với quy mô đầu tư hàng tỉ USD đã ra đời và đang được triển khai. Những khu vực có điều kiện thiên nhiên ưu đãi như Long Hải, Hồ Tràm có thể nhanh chóng trở thành “thiên đường nghỉ dưỡng” cho khách du lịch trong nước và quốc tế. Theo đó, bất động sản nghỉ dưỡng ở đây chắc chắn sẽ còn phát triển mạnh trong thời gian tới.

Cẩn trọng với những cơn sốt đất.

Bên cạnh tiềm năng phát triển dài hạn và sự tăng trưởng vượt bậc, bất động sản Bà Rịa – Vũng Tàu cũng có những nốt trầm. Theo báo cáo của HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, toàn tỉnh có 192 mảnh đất nông nghiệp bị “hô biến” thành những dự án bất động sản. Các dự án này đã được đo vẽ, làm cơ sở hạ tầng, phối cảnh dự án và phân lô rao bán hoặc xin tách thửa. Trong đó, “dự án” lớn nhất lên tới 13ha và nhỏ nhất 0,5ha. Địa phương có nhiều dự án nhất là thị xã Phú Mỹ với 113 dự án, tiếp đến là thành phố Bà Rịa, huyện Long Điền với 17 dự án và 19 dự án tại huyện Đất Đỏ. Các dự án bất động sản này được gọi là “dự án ma” vì không nằm trong quy hoạch, không được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Điển hình trong số đó là xã Châu Pha, Sông Xoài, Tóc Tiên và P.Hắc Dịch của thị xã Phú Mỹ với tám “dự án ma” của Công ty Địa ốc Alibaba. Chỉ sau thời gian ngắn, công ty này đã nhận góp vốn đầu tư của hàng ngàn khách hàng, với tổng cộng 3.333 nền đất, thu về số tiền hơn 770 tỉ đồng. Sự việc lên tới đỉnh điểm khi nhân viên Địa ốc Alibaba chống người thi hành công vụ khi bị cưỡng chế “dự án ma” tại xã Tóc Tiên. Đến nay, nhiều lãnh đạo và nhân viên của Địa ốc Alibaba đã phải trả giá cho hành động sai trái của mình nhưng hệ quả đối với nhiều nhà đầu tư vẫn hết sức nặng nề.

Nguyên nhân của việc dự án ma nở rộ bắt nguồn từ những cơn sốt đất tại đây. Các đối tượng lợi dụng kẽ hở cho phép tách thửa đất nông nghiệp và việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Việc xuất hiện tràn lan dự án ma đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối xã hội và sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có rất nhiều dự án chậm triển khai. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như việc giải phóng mặt bằng khó khăn, thủ tục pháp lý phức tạp thì cũng có nguyên nhân chủ quan từ phía doanh nghiệp như thiếu vốn đầu tư và dự án không khả thi. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp thiếu năng lực nhưng cũng “xí phần” để tìm cơ hội bán lại cho đối tác khác kiếm lời. Tất cả điều này đã làm cho thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh.