Quỹ đất là một thuật ngữ phổ biến, được sử dụng thường xuyên trong lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được bản chất và những quy định pháp lý liên quan. Để có cái nhìn cụ thể và chính xác hơn về quỹ đất là gì, mới quý độc giả cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Quỹ đất là gì
Khái niệm quỹ đất thực chất là thuật ngữ dùng để chỉ tổng diện tích đất tại một đơn vị, địa phương nhất định nào đó. Nó bao gồm tất cả các loại đất sẵn có và chịu sự quản lý của các cấp chính quyền, cơ quan ban ngành,…
Trên thực tế, quỹ đất có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như: xây dựng trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khu khách sạn, nhà hàng,… Chúng được phân chia cho bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào có nhu cầu sử dụng (nhu cầu đó phải có mục đích rõ ràng và phù hợp với quy định của pháp luật). Quy trình cấp quyền sử dụng đất sẽ được cơ quan có thẩm quyền, xem xét và phê duyệt.
Trong trường hợp cần sử dụng cho mục đích khai thác trồng trọt thì cần xét đến tính chất của nhóm đất đó và kế hoạch sử dụng đất hằng năm của địa phương đã được phê duyệt. Sau khi đã phân bổ mà quỹ đất vẫn còn thừa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành hội họp, rà soát và thống kế. Sau đó sẽ tiếp tục phân chia cho những đối tượng đang có nhu cầu.
2. Cơ quan quản lý quỹ đất là ai?
Khi tìm hiểu quỹ đất là gì, chắc hẳn bạn sẽ quan tâm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý và phát triển quỹ này. Trong quy định của pháp luật hiện hành, Trung tâm phát triển quỹ đất là chính là cơ quan quản lý quỹ đất. Vậy, cơ quan có những quyền hạn, vai trò gì để có thể làm tốt chức năng được giao?
Trung tâm phát triển quỹ đất là gì
Căn cứ tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 43/2014 thì tổ chức phát triển quỹ đất chính là đơn vị công, được thành lập và tổ chức lại theo quy định của pháp luật hiện hành. Tổ chức này có một số đặc điểm, quyền và nghĩa vụ như sau: có tư cách pháp nhân, có trụ sở riêng, có con dấu riêng và được phép lập tài khoản để phục vụ các hoạt động luật định. Ngoài ra, tổ chức này còn có các chi nhánh theo từng đơn vị hành chính lãnh thổ quận, huyện, thị xã, thành phố,…
Trên thực tế, quỹ đất sẽ trực thuộc Trung tâm phát triển quỹ đất do Sở Tài nguyên và Môi trường trực tiếp quản lý. Quy trình thẩm định và phân chia quỹ đất phải tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc khai thác, quản lý do Nhà nước ban hành. Kinh phí hoạt động được thực hiện theo quy định về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Quản lý và duy trì tốt quỹ đất địa phương sẽ góp phần to lớn đến sự phát triển kinh tế.

Vai trò của Trung tâm phát triển quỹ đất là gì
Tại điểm a Khoản 2 Điều 5 Nghị định 43/2014/NĐ – Cp có quy định về vai trò của Trung tâm phát triển quỹ đất như sau:
- Tạo lập, lập kế hoạch và tiến hành các giải pháp phù hợp để phát triển, quản lý quỹ đất có hiệu quả.
- Thực hiện các quy trình có liên quan đến vấn đề bồi thường, tái định cư khi thu hồi đất.
- Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình có nhu cầu, đề nghị.
- Tổ chức các sự kiện đấu giá đất và một số dịch vụ liên quan.
3. Các loại quỹ đất
Theo quy định của pháp luật hiện hành, quỹ đất được phân chia thành nhiều loại khác nhau, dựa trên những tiêu chí khác nhau. Tuy nhiên, có hai loại phổ biến thường được nhiều người biết đến đó là quỹ đất công và quỹ đất sạch.
Quỹ đất công là gì
Khái niệm về quỹ đất công hiện vẫn chưa được quy định rõ ràng trong Luật đất đai 2013. Tuy nhiên, thông qua các điều luật liên quan, có thể hiểu quỹ đất công chính là phần đất thuộc quyền sở hữu của toàn dân, do cơ quan Nhà nước đại diện làm chủ sở hữu. Mục đích sử dụng của đất công khá đa dạng như: sử dụng cho mục đích công cộng, quốc phòng an ninh, đất giao thông, đất có di tích lịch sử văn hóa,…
Quỹ đất sạch là gì
Hiện nay, trong quy định của Luật đất đai không có khái niệm cụ thể về quỹ đất sạch. Trên thực tế, có thể hiểu đây là cụm từ dùng để chỉ những diện tích đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư và giải phóng mặt bằng theo như kế hoạch đã được thông qua từ trước.
Việc triển khai tạo dựng quỹ đất sạch đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp. Bởi điều này sẽ tránh được trường hợp các nhà đầu tư tốn thêm nhiều thời gian để quy hoạch, đền bù đất gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án. Do đó, hàng năm Nhà nước ta luôn dành nhiều sự quan tâm bao gồm cả kinh phí và nhân lực để xây dựng quỹ đất sạch.